Sự linh hoạt trong cách xây dựng và xu hướng của content marketing dễ khiến cho người sáng tạo nội dung rơi vào một số sai lầm sau đây:
Sai lầm 1: Áp đặt suy nghĩ của mình vào khách hàng
Đây chính là sai lầm phổ biến đồng thời đắt giá nhất của những người làm sáng tạo nội dung. Sai lầm này bắt nguồn từ 3 nguyên do cơ bản:
Thứ nhất, người làm sáng tạo nội dung thường là những người thông minh và có tư duy tốt. Tuy nhiên, cá tính và cái “tôi” quá cao sẽ khiến họ nghĩ rằng mình đã “biết hết”. Câu cửa miệng của những người này là “nhìn cái là biết ngay”, “đi guốc trong bụng khách hàng”. Sự tự tin thái quá chính là thứ sẽ giết họ khi làm content marketing.
Thứ hai, cũng chính vì lý do trên mà họ không hề thực hiện nghiên cứu, khảo sát khách hàng. Chính vì không có dữ liệu thực tế nên không có những số liệu đo lường để hiểu thấu đáo suy nghĩ của khách hàng, cũng không có “insight” nào tạo động lực mua hàng cho khách hàng.
Thứ ba, một nguyên do “dễ thương” là vì họ quá yêu sản phẩm! Họ nhìn sản phẩm với góc nhìn cá nhân của người làm ra nó, với tất cả tình yêu, sự hiểu biết và sự hồ hởi. Tuy nhiên cuộc sống khắc nghiệt hơn nhiều, thứ chúng ta nghĩ là tốt và cần thiết với khách hàng chưa chắc họ đã mua.
Sai lầm 2: Không làm nổi bật lợi thế độc nhất (USP) của sản phẩm
Việc không nhấn mạnh điểm lợi thế đã là một sai lầm, nhưng không phân biệt được đâu là điểm lợi thế quan trọng nhất lại càng nguy hại hơn!
Nhiều marketer luôn cố liệt kê quá nhiều điểm tốt của sản phẩm trong bài content mà không có sự phân biệt, nhấn mạnh rõ ràng thứ bậc cần nhấn mạnh. Khi đó, bạn sẽ đánh mất sự chú ý của khách hàng và không cảm thấy có điểm nào đủ thuyết phục để mua hàng. Phải xác định được USP nào là điểm giá trị nhất, thuyết phục nhất, sau đó làm thế nào để “đánh bóng” nó lên, đặt nó ở vị trí nổi bật trong content để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Cách đơn giản là bạn có thể đưa luôn yếu tố USP lên tiêu đề của bài viết và phần text trong visual design.
Sai lầm 3: Thiếu sự cá nhân hóa
Nhiều người hiểu lầm rằng content chính là phần bài viết hoặc quan trọng ở phần viết, mà quên mất rằng sự quan trọng của hình ảnh trong việc đưa ra quyết định mua hàng của khách hàng.
Một số content creator quá chú trọng phần content chữ mà quên mất phải trau chuốt hình ảnh, sử dụng hình chụp thiếu ấn tượng hoặc không có điểm nhấn. việc không gây được sự chú ý của khách hàng đồng nghĩa với việc bỏ qua cơ hội bán hàng. Một sai lầm khác trong content định dạng hình ảnh hình ảnh là thiếu tính cá nhân hóa trong hình ảnh.
Các đơn vị bán hàng làm content marketing nếu không độc quyền phân phối sản phẩm thì sẽ thi nhau copy hình ảnh từ một nguồn cung cấp hoặc copy lẫn nhau để bán hàng. Trong khi khách hàng với sự nhạy bén và tinh tường, họ có nhu cầu nhìn thấy hình ảnh với nét đặc biệt riêng của đơn vị bán hàng, mang lại cho họ cảm giác chân thật và uy tín. Hãy hạn chế sử dụng ảnh chung chung được tải về từ google hay từ bên đối thủ, bạn phải tự sáng tạo hình ảnh riêng cho mình bằng cách chụp ảnh hoặc thiết kế kế graphic design.
Sai lầm 4: Để thông điệp quan trọng “sau dòng text thứ ba”
Sai lầm này đơn giản là bạn để thông điệp quan trọng cần nhấn mạnh với khách hàng ra phía sau chữ “xem thêm”, ở một khía cạnh nào đó, nó như là trang số 2 của Google vậy. Tuy nhiên cũng phải giải thích rằng “sau dòng text thứ ba” chỉ là cách nói hoán dụ cho việc thông điệp quan trong phải đưa lên đầu. Nó hoàn toàn dùng để áp dụng cho nhiều định dạng content khác nhau.
Hầu hết các đơn vị đều thi nhau triển khai các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, tặng quà, giá “shock”… Đây là những chương trình có điểm nhấn về quà tặng, giá cả để gây sự chú ý của khách hàng. Như vậy nhất thiết phải đưa những yếu tố này vào phần tiêu đề bài viết hoặc phần “text” nổi bật trên ảnh.
Sai lầm 5: Bảo thủ, thiếu sự thay đổi linh hoạt
Xu hướng content marketing thay đổi nhanh chóng, mọi thứ có thể thay đổi trong chốc lát đòi hỏi người làm content marketing phải thực sự tỉnh táo và nhanh nhạy. Đừng bao giờ đóng khung ý tưởng hay mặc định lý thuyết này hay phong cách kia là đúng. Content creator phải là người đi đầu, tư duy linh hoạt, nắm bắt xu hướng thậm chí tạo ra xu hướng mới có thể đạt được thành tựu trong nghề, nếu không bạn mãi sẽ chỉ là kẻ đến sau và khi cả thế giới thay đổi mới vội vã làm.
Trích nội dung từ sách “Content chết – Chỉ có 6s để quyết định sự sống sót!”